Tính toán chi phí du học không hề dễ dàng khi khả năng tài chính gia đình có hạn mà kỳ vọng lại quá cao.
Theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp từ bậc tiểu học nhưng tốt nghiệp THPT xong, Phương Oanh lại nuôi mộng vào ĐH Mỹ với học phí hàng chục ngàn USD/năm. Khoản chi lớn thứ hai sau học phí là sinh hoạt phí cùng bảo hiểm y tế và nhiều chi phí khác cũng làm tổng chi phí du học đội lên khá cao. Nếu không tính toán đầy đủ dễ dẫn đến việc “gãy gánh giữa đường”.
Không nên nhắm trường thứ hạng cao
Đơn cử như tại ĐH Drexel (Mỹ), nơi có ngành học mà Phương Oanh yêu thích, học phí bậc ĐH là 33.800 USD/năm, cộng với sinh hoạt phí khoảng 13.300 USD/năm thì chi phí du học cũng lên đến 47.100 USD/năm. Ba mẹ Phương Oanh đang bối rối không biết cần chuẩn bị ngân sách như thế nào cho cả hành trình 4 năm học.
Nhóm sinh viên Úc trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Tân Thanh
Chuyên viên Văn phòng Tư vấn du học Mỹ tại Việt Nam cho rằng: Đầu tư du học là việc lâu dài và tốn kém. Vì vậy, trước khi lên kế hoạch du học cho con, phụ huynh cần lưu ý các yếu tố: Thứ nhất, phụ huynh cần phải biết con mình sẽ du học trong bao lâu. Thứ hai, tính toán học phí thật kỹ vì trường thứ hạng cao thì học phí càng cao. Thứ ba, hầu hết các trường ĐH Mỹ đều có quỹ học bổng dồi dào dành cho sinh viên. Một học sinh giỏi dễ dàng xin học bổng nhưng vấn đề là được bao nhiêu phần trăm.
Để không phải trả mức học phí quá cao, nhiều chuyên viên tư vấn du học khuyên rằng phụ huynh không nên quá tập trung vào trường thứ hạng cao. Quan trọng là trường có tốt về chuyên ngành mà con mình chọn không? Bằng cấp có giá trị không? Đội ngũ giảng viên của trường như thế nào? Trường có chương trình thực tập cho sinh viên không? Và môi trường xung quanh có an toàn không?
Mức chi phí tùy nơi
Tuy nhiên, học phí và sinh hoạt phí vẫn chưa đủ cho bài toán kinh phí du học. Ví dụ tại Úc, ngoài mức học phí bình quân bậc ĐH từ 14.000-33.000 AUD/năm, sinh hoạt phí từ 12.000-18.000 AUD/năm, tất cả sinh viên quốc tế bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cho toàn bộ chương trình học trước khi sang Úc với mức 498 AUD/năm. Ngoài ra còn chi phí cho sách vở khoảng 1.000-2.000 AUD/năm và một số khoản khác như phí nhập học, phí sử dụng thiết bị...
Cũng để hỗ trợ sinh viên quốc tế, theo Hội đồng Anh, sinh viên quốc tế được hưởng những quyền lợi và chế độ ưu đãi giúp giảm chi phí cuộc sống hằng ngày. Thành viên của Liên đoàn Sinh viên quốc gia có thể tiết kiệm được 50% cho mọi chi phí từ sách vở đến vui chơi giải trí. Đối với các khóa học từ 6 tháng trở lên, sinh viên được hưởng chế độ chăm sóc y tế miễn phí thông qua dịch vụ y tế quốc gia. Do đó, sinh viên giảm được chi phí y tế khi hoạch định ngân sách du học. Chi phí sinh hoạt ở Anh khoảng 1.000 bảng/tháng nếu sống ở London hoặc 800 bảng/tháng nếu sống ở các thành phố khác.
Còn theo Campus France, ở Pháp, sinh viên nước ngoài cũng như sinh viên Pháp đều được hưởng rất nhiều chính sách giảm giá, từ nhà ăn sinh viên, ký túc xá, nhà ở, bảo hiểm y tế đến giá tàu xe và giải trí (điện ảnh, thể thao, thư viện, các hội sinh viên…). Với các chế độ giảm giá này, ngân sách trung bình hằng tháng của sinh viên trong khoảng từ 800 euro ở tỉnh đến 1.000 euro ở Paris.
Dù sinh hoạt phí phụ thuộc vào nơi cư trú bạn chọn và lối sống của mỗi người song nếu chọn những nơi có nhiều ưu đãi cho sinh viên sẽ giúp bạn chi trả cho những nhu cầu cơ bản và tận hưởng cuộc sống du học với nguồn kinh phí khiêm tốn.
Nguồn:dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét