Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tư vấn du học hay ăn chặn?

Trong số hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam ra nước ngoài mỗi năm không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp trước với trường mình đến học. Tất nhiên, họ phải phó thác mọi chuyện cho các đơn vị tư vấn và trong nhiều trường hợp đã phải tiền mất mà nỗi ấm ức vẫn còn mang...
Qua một vài lời giới thiệu, ngày 21/8/2003, chị Lê Thị Kim Yến đã ký với Công ty tư vấn du học quốc tế Vinh Hiển một bản hợp đồng du học tại Singapore. Hợp đồng này thỏa thuận Công ty Vinh Hiển sẽ tư vấn, cung cấp miễn phí tài liệu và làm thủ tục du học tại Singapore cho học sinh Lê Đình Chánh, em trai chị Yến. Đáp lại, chị Yến phải trả cho công ty các khoản phí giám hộ, ghi danh, xin visa, phí hướng dẫn, học phí, tiền ăn ở tại ký túc xá…với tổng số tiền là 12.153 đôla Singapore và một số chi phí khác liên quan đến dịch thuật, chuyển phát nhanh tài liệu, hồ sơ.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi Trẻ, sau khi thủ tục hoàn tất, tháng 10/2003 Lê Đình Chánh nhập học tại Tập đoàn Stansfield, Singapore. Chính thời điểm này, sự việc mới bắt đầu phát sinh khi Chánh phát hiện số tiền mà gia đình mình phải đóng cao hơn hẳn so với mức thu chính thức do trường qui định. Thông tin nhanh chóng bay về Việt Nam. Bất bình, gia đình Chánh sang tận Singapore, trực tiếp liên lạc với trường để xin bằng được tờ biên nhận đóng tiền nhập học của con mình.
Đúng như Chánh đã thông tin về, tờ biên nhận được lập vào ngày 30/10/2003 ghi rõ số tiền học phí và chi phí ký túc xá mà học sinh Lê Đình Chánh phải nộp cho trường chỉ 9.360 đôla Singapore.
Về nước, ngay lập tức gia đình Chánh tìm cách liên hệ với Công ty Vinh Hiển để có một lời giải thích. Nhưng yêu cầu của họ đã không được đáp ứng. Người có trách nhiệm của Công ty Vinh Hiển luôn tìm cách tránh gặp mặt cũng như không có một câu trả lời chính thức nào cho khách hàng của mình. Chờ đợi quá lâu, đến ngày 31/12/2003, chị Yến đã gửi một lá đơn đề nghị Công ty Vinh Hiển giải thích và hoàn lại cho mình các khoản phí mà theo chị là không hề tồn tại như phí giám hộ, phí ghi danh, chênh lệch phí ăn và ở tại ký túc xá...
Ngoài ra, chị cũng yêu cầu công ty này hoàn trả và bồi thường khoản chi phí xin phép Bộ GDĐT vì trên thực tế công ty đã không xin được giấy phép cho em của chị khiến gia đình phải gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục ra nước ngoài tại địa phương.
Thế nhưng cho đến nay, Công ty Vinh Hiển vẫn không có một hành động nào thể hiện thiện chí của mình. Ngay cả khi chúng tôi đề nghị được gặp người đã đại diện công ty đứng ra ký hợp đồng, nhân viên của công ty vẫn không cho gặp. Một nhân viên thì trả lời giám đốc mình đi học lái xe, nhân viên khác lại bảo rằng đã đi công tác ở một tỉnh nào đó không biết.
Tu van du hoc hay an chan
Tham gia triển lãm du học, tiếp xúc trực tiếp với các trường nước ngoài là cách tìm hiểu thông tin đáng tin cậy nhất.
Một trường hợp khác - anh Quách Anh Khanh - đã phải đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận để khởi kiện Công ty TNHH du học - du lịch - thương mại - dịch vụ Á Âu (gọi tắt là Công ty Á Âu). Sự việc bắt đầu từ ngày 21/5/2003 khi anh Khanh đến ký với Công ty Á - Âu một hợp đồng tư vấn du học cho con trai là Quách Anh Vũ.
Sau khi anh Khanh đã đóng hàng ngàn USD tiền dịch vụ và hoàn thành các thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ, Công ty Á - Âu giành quyền đi xin giấy phép chuyển ngoại tệ và thay mặt anh nộp tiền vào ngân hàng để chuyển qua Mỹ số tiền học phí 28.250 USD. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc làm thủ tục đi du học, anh Khanh cẩn thận yêu cầu Công ty Á - Âu đưa lại cho mình giấy phép chuyển ngoại tệ và phiếu nộp tiền nhưng công ty chỉ đưa lại cho anh bản sao biên lai học phí. Sau đó, theo yêu cầu của anh, công ty này vẫn đưa tiếp bản sao biên nhận học phí ấy nhưng khi đối chiếu lại thì có một số điểm khác biệt.
Nghi ngờ có khuất tất trong việc thu học phí của con mình, anh Khanh đã liên lạc trực tiếp với trường Lee Academy và được giám đốc ghi danh của trường, ông Wright, trả lời bằng email rằng chưa nhận học phí của học sinh nào quá 17.000 USD. Quá bức xúc, anh đã đến thẳng Công ty Á - Âu để mong làm rõ vấn đề. Nhưng trái với suy nghĩ của anh, đại diện của công ty không những không giải thích mà còn lớn tiếng thách thức anh. Buổi nói chuyện biến thành cuộc cãi vã và phải nhờ đến cán bộ tư pháp phường can thiệp.
Không giải tỏa được ấm ức, anh Khanh đã bỏ công lặn lội tìm hiểu mức học phí của một số học sinh Việt Nam khác cũng sang Mỹ học tại Lee Academy cùng khóa với con trai mình nhưng làm thủ tục tại các công ty tư vấn khác. Kết quả là tất cả sáu học sinh mà anh tìm hiểu đều chỉ phải đóng mức học phí tối đa là 17.000 USD, thậm chí có học sinh chỉ phải đóng có 12.900 USD mà thôi.
Đến lúc này anh Khanh phải tìm đến Tập đoàn Giáo dục (StudyGroup) tại Việt Nam, đơn vị lúc đầu đã giới thiệu anh đến Công ty Á - Âu để làm dịch vụ. Nhưng rồi anh cũng phải thất vọng vì chính bà Marnie Watson, giám đốc điều hành Tập đoàn Giáo dục khu vực Đông Dương, lại xác nhận bằng văn bản rằng họ đã gửi khoản học phí 28.250 USD của Quách Anh Vũ về đơn vị “mẹ” là Tập đoàn Giáo dục tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2003.
Số tiền chênh lệch không nhỏ, hơn 11.000 USD, đã không cho phép anh Khanh ngồi yên. Anh nhiều lần đến gặp trực tiếp và chất vấn. Từ chỗ quyết liệt khẳng định mình đúng, tập đoàn này đã bắt đầu xuống nước và đề nghị với anh Khanh rằng sẽ hoàn lại tiền cho anh bằng cách bù vào học phí của con anh ở năm học kế tiếp với số tiền là 6.000 USD.
Nhưng anh Khanh không đồng ý. Và đến khi được tin anh đã gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, tập đoàn này lại đề nghị được hoàn trả cho anh toàn bộ số tiền chênh lệch là 11.250 USD mà không quên kèm theo điều kiện anh không được tiếp tục tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí. Với hành động này, phải chăng Tập đoàn Giáo dục và Công ty Á - Âu đã thừa nhận hành vi ăn chặn tiền học phí của du học sinh?
Không ai có thể thống kê được số khách hàng, số thượng đế có nghi ngờ hay chính thức bị các đơn vị tư vấn du học “vòi” tiền không thương tiếc. Người ta chỉ có thể biết rằng cho đến lúc này, nếu khách hàng nào phát hiện mình bị thiệt thòi trong các hợp đồng thì cũng đành cam chịu hay phải tự trầy trật đi đòi lại mà thôi. Vì vậy, một đơn vị đứng ra hay một hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh, học sinh là điều cần thiết để bớt phải gặp những “cú lừa” ngoạn mục không đáng có như vừa qua.

Nguổn:vietbao.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét