Trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản tích cực tìm kiếm nhân tài để vươn ra thị trường quốc tế, những lưu học sinh nước ngoài tại Nhật Bản, vốn vừa hiểu rõ văn hóa Nhật Bản vừa có khả năng hội nhập quốc tế, ngày càng được trọng dụng. Không chỉ tập đoàn lớn, ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tham gia cuộc đua tuyển dụng lưu học sinh nước ngoài.
Lưu học sinh nước ngoài tại Nhật Bản đang được đánh giá cao. Ảnh: Internet |
Hồi cuối tháng 6, Hội Công thương Tôkyô đã tổ chức một buổi giao lưu giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực thủ đô Tôkyô với các lưu học sinh nước ngoài. Có tới 38 doanh nghiệp Nhật Bản mở bàn giao lưu với 330 du học sinh tham dự. Đây là con số khá khiêm tốn, song cũng lớn hơn rất nhiều so với 2 lần tổ chức trong thời gian gần đây.
Điểm nổi bật của buổi giao lưu là những du học sinh đến tham dự không chỉ có khả năng nghe nói tiếng Nhật mà phong cách ăn mặc bên ngoài cũng không hề khác các sinh viên bản địa. Cao Lạc, một sinh viên người Trung Quốc đang theo học tại khoa Kinh doanh, Đại học Osaka, cho biết anh muốn làm việc tại một doanh nghiệp vận tải làm cầu nối giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản, chủ yếu là tập đoàn lớn hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo, phải tuyển dụng lưu học sinh nước ngoài là do tình trạng lão hóa dân số tại Nhật Bản khiến thị trường trong nước bị thu hẹp, buộc các doanh nghiệp này phải mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Gần đây, không chỉ tập đoàn lớn mà ngay cả các công ty vừa và nhỏ cũng đẩy mạnh tuyển dụng lưu học sinh khiến mức độ cạnh tranh để tuyển dụng được một lưu học sinh nước ngoài ưu tú trở nên khá quyết liệt.
Tương tự, không dừng lại ở các doanh nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng bước vào tìm kiếm “mỏ vàng chất xám” trong số lưu học sinh tại Nhật Bản. Công ty Daiwa Living chuyên quản lý các tòa chung cư, vào tháng 11/2012 đã lần đầu tiên thành lập một liên doanh tại Hàn Quốc để triển khai hoạt động ra thị trường nước ngoài. Hàn Quốc chỉ là bước đầu tiên để Daiwa Living mở rộng họat động ra các nước châu Á khác như Việt Nam nên Daiwa Living chủ trương tuyển dụng lưu học sinh, những người nắm khá rõ tình hình trong nước.
Năm 2007, số lưu học sinh tốt nghiệp các trường đại học, dạy nghề được các công ty Nhật Bản tuyển dụng lên mức kỷ lục là 9.600 người. Con số này giảm xuống mức 6.000 người sau sự kiện tập đoàn Leman Brothers sụp đổ, tuy nhiên bắt đầu phục hồi với mức 8.000 người năm 2011. Đồng yên lên giá đã đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài sản xuất, và việc họ phải tìm kiếm nhân tài người bản địa là điều đương nhiên.
Theo Giám đốc Trung tâm Data Vision, tổ chức chuyên hỗ trợ sinh viên nước ngoài tìm việc tại Nhật Bản, năm 2013 các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới các lưu học sinh đến từ các nước Đông Nam Á. Lý do là quan hệ Nhật - Trung đang xấu đi và doanh nghiệp Nhật Bản chủ trương phân tán đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro. Đặc biệt, lưu học sinh Mianma, đất nước vừa mới mở cửa kinh tế, đang được săn lùng như những “quả trứng vàng”. Chỉ có 1.151 lưu học sinh Mianma, chiếm khoảng 0,8% số lưu học sinh nước ngoài tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Data Vision giới thiệu lưu học sinh người Mianma để tuyển dụng với chi phí giới thiệu cao gấp hai lần mức thông thường.
Nguồn:Báo Tin Tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét